Theo Đông y, cần tây vị ngọt đắng, the mát (có tài liệu nói lạnh), có công dụng dưỡng huyết mạch, lợi tỳ ích khí, thanh nhiệt, hạ hỏa, lợi đại tiểu tiện, đái tháo đường, giảm ho, khử phong thấp, vết máu bầm, tan hạch ở cổ, trị cao huyết áp và làm hạ cholesterol. Dưới đây là một số cách trị bệnh từ cần tây:
Chữa tăng huyết áp: Cần tây cả cây 50 - 60g sắc lấy nước uống hàng ngày (chia 3 lần) uống đến khi thấy huyết áp ổn định thì thôi.
Chữa phong thấp: Cần tây 1kg toàn cây, phơi khô mỗi lần dùng 150g sắc 3 bát còn 1 bát, chia 3 lần uống trong ngày, uống nóng. Trong khi uống thuốc không nên ăn thức ăn sống, lạnh (dưa chuột, giá).
Bí tiểu tiện: Cần tây 50g rửa sạch, vò nát, hãm trong ấm tích hoặc phích nước, uống dần trong ngày cho ra mồ hôi và thông tiện. Kỵ trường hợp huyết áp thấp.
Chữa chứng khó tiêu, biếng ăn: Cần tây sống ăn hàng ngày khoảng 20 - 30g kèm thức ăn khác với cơm.
Chữa viêm miệng, họng: Cần tây tươi 40 - 50g rửa sạch giã nát, vắt lấy nước cốt súc miệng (thêm ít muối) viêm họng ngậm hoặc nuốt dần.
Đái tháo đường (kèm bệnh tim mạch): Cần tây tươi 500g, giã vắt lấy nước uống ngày 2 lần liên tục nhiều ngày.
Đái tháo đường (kèm mất ngủ): Rễ cần tây 90g, toan táo nhân 10g. Nấu nước uống.
Mỡ trong máu cao, tăng huyết áp: Cần tây 500g, táo đen (bỏ hạt) 250g. Nấu chín, uống nước, ăn cái.
Cần lưu ý, cần tây có furocoumarin nếu để lâu quá 3 tuần trong tủ lạnh chất này sẽ tăng gấp 2,5 lần, nếu ăn sẽ dễ bị ngộ độc. Do đó, chỉ nên để cần tây trong tủ lạnh vài ngày đến 1 tuần để an toàn khi sử dụng.